Các bước sơn nhà cơ bản
_ Các bước để sơn nhà gồm: Vệ sinh bề mặt > Thi công sơn chống thấm > Bả mastic > Lăn sơn lót kháng kiềm > Lăn lớp sơn màu thứ nhất > Lăn lớp sơn màu thứ hai.
Quy luật sơn nhà là sơn từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới, nên sơn ở khu vực khó rồi mới đến các khu vực dễ.
Bước 1: Chuẩn bị bề mặt sơn
Để lớp sơn phủ mịn, bám dính tốt, công tác chuẩn bị bề mặt thi công cần được tiến hành kỹ lưỡng.
Quy trình sơn nhà mới sẽ có điểm khác biệt so với việc sơn lại trên tường cũ, bề mặt tường cần đạt đủ độ khô cần thiết thì mới có thể thực hiện các bước sơn tường nhà. Độ ẩm tường không nên vượt quá 15%, độ ẩm quá cao khiến màng sơn nhanh xuống cấp, gây hiện tượng bong tróc, phồng rộp hoặc loang lổ màu sắc. Trong điều kiện thời tiết lý tưởng, khô ráo thì khoảng 3 tuần sau khi tô trát có thể thi công phần sơn. Thực tế, tùy thuộc vào yếu tố thời tiết mà thời gian chờ tường nhà khô có thể kéo dài tới 2 hoặc 3 tháng. Đây được gọi là giai đoạn bảo dưỡng tường, để các tạp chất nhiễm khuẩn có trong gạch, hồ vữa tự phân hủy, giúp bề mặt thi công luôn ổn định. Vệ sinh lại bề mặt bằng giấy ráp mịn nhằm loại bỏ hạt cát còn bám trên tường rồi tiến hành vệ sinh bụi bẩn. Bề mặt tường đạt chuẩn khi không còn đất cát, bụi bẩn, rong rêu hay bất cứ yếu tố nào làm giảm độ bám dính của sơn.
Còn trong các bước sơn tường cũ, trước khi sơn bạn cần loại bỏ hết rêu mốc, bụi bẩn, tạp chất và lớp sơn cũ đã bong tróc. Nếu bề mặt tường còn mới thì dùng thêm giấy ráp hoặc đá mài đánh qua toàn bộ tường để tạo chân bám cho lớp sơn mới. Sau khi vệ sinh xong phải xối rửa bằng nước sạch, chờ khô rồi mới thi công sơn.
Lưu ý cách xử lý bề mặt tường:
- Bề mặt tường chứa cát, bột, chất bẩn: Dùng vòi nước áp lực cao làm sạch bề mặt. Bạn cũng có thể kết hợp thêm chất tẩy nhẹ. Trong trường hợp bề mặt có nhiều bột, sau khi làm sạch bề mặt, hãy sơn thêm hai lớp lót chống kiềm.
- Bề mặt tường chứa bột trét, vữa xi măng, màng sơn cũ: Cần đục, chà xát, cạo sạch màng sơn hay các bề mặt kém bằng phẳng, sau đó trét lại bằng loại bột phù hợp.
- Bề mặt tường chứa nấm, mốc, rêu: Dùng vòi nước áp lực cao để tẩy sạch bề mặt. Có thể kết hợp với dụng cụ cạo, đục hay thuốc diệt rêu, nấm. Cuối cùng, rửa lại bề mặt tường với nước sạch và chờ cho khô.
- Bề mặt tường chứa dầu mỡ: Sử dụng dung dịch tẩy rửa nhẹ và một chút dung môi nếu cần. Sau đó, rửa kỹ lại với nước sạch để loại bỏ hoàn toàn vết bẩn.
Bước 2: Thi công chống thấm
Thi công chống thấm nhằm bảo vệ công trình khỏi tác động của các yếu tố mưa, ẩm, khâu này đặc biệt cần thiết trước khí hậu nhiệt đới, mưa nhiều như ở nước ta. Kiểm tra và tiến hành chống thấm cho các bề mặt thi công phải tiếp xúc với nước như tường ngoài trời, bồn hoa. Nên chủ động chống thấm từ phía có nguồn nước để đạt hiệu quả cao nhất. Chống thấm từ phía sau nguồn nước hay chống thấm bị động chỉ được thực hiện khi không thể chống thấm từ phía có nguồn nước.
Bước 3: Thi công bột bả
Bột bả (matit) là vật liệu được sử dụng để tạo bề mặt bằng phẳng cho tường, che đi khe nứt, khuyết điểm trước khi thi công sơn lót, sơn phủ, đồng thời giúp tăng độ bám dính kết cấu. Khi bề mặt tường bằng phẳng thì chi phí sơn sẽ giảm bởi lượng sơn lót và sơn phủ cần dùng sẽ ít đi. Tùy vào yêu cầu và mục đích sử dụng mà có thể có 1 đến 2 lớp bột bả hoặc không sử dụng bột bả. Đặc biệt, lớp trét không được dày quá 3mm để tránh dẫn đến hiện tượng bong tróc, nứt hay biến dạng màng sơn.
Trộn bột bả với nước theo tỷ lệ 3:1, dùng máy khuấy đều cho tới khi hỗn hợp đạt trạng thái quánh dẻo đồng nhất. Tiếp theo, tiến hành trét 1-2 lớp, các lớp cách nhau khoảng 2-4 giờ đồng hồ. Chờ sau 4-6 giờ trước khi tiến hành xả nhám. Sau khi đã xả nhám, nên chờ khoảng 1-2 ngày để bề mặt bột cứng rồi mới quay lại vệ sinh và thi công lớp lót.
Lưu ý, bột bả sau khi trộn nên dùng ngay trong khoảng 1-2 giờ. Quá thời hạn trên, bột sẽ khô, cứng không thể thi công được nữa.
Bước 4: Thi công sơn lót kháng kiềm
Nhiệm vụ của sơn lót là ngăn kiềm (có trong xi măng, vôi), ngăn ẩm, chống thẩm thấu, đồng thời tăng cường khả năng chống thấm cho bề mặt tường. Chủ nhà có thể lựa chọn sơn 1 hoặc 2 lớp lót tùy ý. Thông thường, việc bỏ qua bước sơn lót thường không ảnh hưởng đến quá trình thi công, tuy nhiên, về lâu về dài sẽ làm giảm chất lượng và tính thẩm mỹ của lớp sơn màu, khiến lớp phủ dễ bị kiềm hóa, loang lổ, không đều màu. Mặt khác, nếu không sử dụng sơn lót, bạn sẽ tốn nhiều sơn phủ hơn bởi bột bả sẽ hút sơn phủ. Trong khi đó, sơn lót có giá thành rẻ hơn sơn phủ khá nhiều, chính vì thế, sử dụng sơn lót luôn là lựa chọn kinh tế hơn.
Lưu ý: Sơn phủ trắng bình thường không thể thay thế sơn lót vì không có đặc tính chống kiềm, ngăn ẩm, tạo bề mặt nhẵn mịn, độ bám dính cao.
Bước 5: Sơn lớp phủ hoàn thiện
Sơn phủ giống như chiếc áo của bức tường, ngoài nhiệm vụ bảo vệ tường còn làm cho ngôi nhà bắt mắt hơn. Thông thường, người ta sẽ chọn sơn 2 lớp thay vì chỉ 1 lớp bởi 1 lớp sơn không thể đảm bảo thẩm mỹ và chất lượng. Việc lăn 2 lớp sơn phủ sẽ tạo lớp màng đồng màu, đẹp mà mịn hơn.
– Lớp sơn phủ thứ nhất
Sau khi sơn lớp lót chống kiềm, nên chờ tối thiểu 2 giờ cho lớp sơn khô rồi mới tiến hành sơn lớp phủ màu thứ nhất.
Trước khi thi công, nên pha loãng sơn với 5-10% nước sạch theo thể tích giúp tăng độ phủ cho sơn và việc thi công cũng dễ dàng hơn. Với bề mặt tường sơn trực tiếp (không có bột bả matit) thì chỉ nên pha không quá 5% nước sạch.
Công cụ thi công có thể là cọ, cọ lăn hoặc máy phun sơn. Tùy thuộc vào bề mặt tường cụ thể mà bạn lựa chọn dụng cụ thi công cho phù hợp. Cọ sơn là dụng cụ tốt nhất cho khu vực có bề mặt hẹp, gồ ghề, diện tích nhỏ, nhiều chi tiết, góc cạnh. Cọ lăn dù có ưu điểm là giúp bạn hoàn thành công việc nhanh hơn nhưng cạnh ống lăn rất mềm nên không tạo nên đường sơn sắc sảo như cọ. Do vậy, nếu có thời gian, hãy dùng cọ sơn để chăm chút cho từng chi tiết. Trong khi đó, cọ lăn được thiết kế để sử dụng cho bề mặt có diện tích rộng, khi sơn phủ đều và mịn lên toàn bộ bề mặt mà không để lại vết hằn. Bên cạnh đó, khi sử dụng các loại sơn nước thì cọ lăn là lựa chọn tối ưu vì sẽ giúp bạn tiết kiệm đáng kể công sức và thời gian khi thi công.
Sau khi sơn xong lớp thứ nhất, cần kiểm tra những khuyết điểm của quá trình sơn nhà trước đó để sửa chữa kịp thời trước khi quét lớp sơn thứ 2.
– Lớp sơn phủ thứ hai
Sau khoảng 2 giờ tính từ thời điểm hoàn thiện lớp sơn phủ thứ nhất, bạn có thể tiến hành sơn lớp phủ cuối cùng. Dụng cụ và cách thức tiến hành vẫn như lần thứ nhất. Tuy nhiên, do đây là lớp sơn hoàn thiện cuối cùng nên cần thi công thật cẩn thận. Sau khi sơn xong, hãy dùng đèn pin chiếu rọi vào tường để quan sát xem lớp phủ có đồng đều không, có để lại vệt chổi sơn trên mặt tường hay không.
Lưu ý khi thi công:
- Thùng sơn nên được đặt ở vị trí an toàn, quá trình vận chuyển phải hết sức cẩn thận. Nếu vô tình làm đổ sơn, cần sử dụng đất, cát để thu gom.
- Luôn đeo khẩu trang và sử dụng quần áo, găng tay bảo hộ trong khi thực hiện các bước sơn nhà.
- Luôn đảm bảo công trình thông thoáng trong quá trình thi công hoặc trong trường hợp điều kiện thi công không đảm bảo thì cần sử dụng quạt điện để tạo độ thoáng.
- Sơn không dùng hết nếu cần tiêu hủy thì phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường. Tuyệt đối không đổ sơn thừa, sơn hết hạn ra môi trường.
- Nếu bị sơn dính vào mắt cần sơ cứu bằng nước sạch và đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời xử lý.
Có thể nói, từ giai đoạn chuẩn bị xây nhà đến các bước hoàn thiện sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm ý nghĩa với tổ ấm mơ ước của mình. Trên đây https://fowinpaint.com/ đã giới thiệu đến bạn quy trình và kỹ thuật sơn tường đảm bảo mang đến màu sắc đẹp, độ bền cao cho căn nhà